Sáng sớm, hay chiều tối, dạo quanh các khu tập trung đông dân cư của khu vực nội thành Hà Nội, chúng ta đều có thể thấy cảnh mua bán nhộn nhịp trên vỉa hè. Hàng hóa ở đây bày bán đủ loại từ rau củ, thực phẩm tươi sống đến hoa quả, quần áo.
Tại các chợ chính như: Chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Tứ Liên (quận Tây Hồ), Chợ Vọng (quận Hai Bà Trưng)… chợ cóc vây chợ chính gây mất vệ sinh, tắc nghẽn giao thông.
Tại chợ Nghĩa Tân, đủ các loại hàng hóa bày kín cả lối ra vào cửa chính khiến người mua hàng muốn vào chợ cũng khó.
Một nghịch lý nữa là chợ cóc tấp nập người mua bao nhiêu thì chợ chính vắng vẻ, đìu hiu bấy nhiêu.
Theo các tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân, từ khi xuất hiện chợ cóc, lượng khách giảm rất nhiều khiến việc buôn bán của chợ chính ế ẩm.
Một số hộ kinh doanh trong chợ đã chuyển đi nơi khác và những gian hàng bỏ trống xuất hiện ngày càng nhiều.
Không chỉ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chợ cóc còn xâm lấn vào cả khu dân cư gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Ông Phạm Xuân Lý - Tổ trưởng tổ dân phố 58, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy bức xúc vì hai bên đường vào khu vực nhà A23, A24, A25 la liệt hàng rau, quả, thực phẩm tươi sống.
Chợ cóc bày bán thịt dưới lòng đường mất vệ sinh nhưng vẫn đông khách. (Ảnh: VNN)
Chợ họp từ 5 giờ sáng đến gần trưa mới tan, rác thải các loại để lại, dân cư ở đây “hưởng” hết mùi hôi tanh của nước thải, nội tạng động vật thừa.
Vào giờ tan tầm, lượng người mua bán tại chợ cóc tấp nập ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân trong các khu tập thể này.
Ông Lý cho biết: “Chợ cóc xuất hiện ở đây đã 6 - 7 năm. Chợ gây mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng tới đời sống của một số dân cư tại khu tập thể. Bên cạnh đó, chợ cũng khiến đường sá bị ùn tắc, nhất là vào những giờ tan tầm”.
Tình trạng chợ cóc cũng đang gây bức xúc cho người dân tại phố mùng 8/3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng. Có ngõ chỉ rộng chừng 2m cũng bị tận dụng làm nơi họp chợ như: Ngõ số 10, và sau khu tập thể C7, C8...
Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp dẹp bỏ chợ cóc như: Kiểm tra quanh khu vực chợ chính, khu dân cư; xử phạt hành chính, thu giữ hàng hóa các trường hợp lấn chiếm để kinh doanh… thế nhưng, không lâu sau, chợ cóc vẫn “mọc” lại.
Lý do mà những người bán hàng ở chợ cóc bám trụ lại vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là do họ không mất tiền thuế mà các hộ kinh doanh trong chợ chính phải nộp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch phường Quỳnh Mai cho biết: “Chúng tôi không đủ nhân lực để quản lý thường xuyên”.
Một nguyên nhân nữa là thói quen mua rẻ, tiện đâu, mua đấy của người dân đã vô tình tiếp thêm sức sống cho chợ cóc. Có những nơi, chợ cóc chỉ thoắt ẩn thoắt hiện, do bán hàng từ rất sớm, họp từ khoảng 5h đến 7h là chợ tan, nên rất khó xử lý.
Thống kê của các cơ quan chức năng, khu vực nội thành Hà Nội hiện tồn tại khoảng 160 chợ cóc, chủ yếu là người ở khu vực ngoại thành chở hàng hóa vào bán, lâu dần trở thành điểm mua bán quen thuộc, phục vụ người dân tại chỗ.
Trong khi đó, hàng loạt chợ mới xây dựng theo quy hoạch, rộng rãi, có ki-ốt bán hàng, có ban quản lý hẳn hoi thì lại rơi vào cảnh đìu hiu.
Tin liên quan: Hà Nội: Chợ cóc bao vây, lôi kéo khách |
Source : eva[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét